Dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng; Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ GTVT Lê Thanh Tùng; đại diện các cơ quan của Sở GTVT Hà Nội; Ngân hàng Nhà nước; Hiệp hội vận tải ô tô VN; đại diện các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam Napas; Visa Việt Nam & Lào.
Đại diện đơn vị tổ chức có Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga và Tổng biên tập tạp chí Viettimes Nguyễn Bá Kiên.
Hội thảo được diễn ra theo 2 phần. Phần 1, các đại biểu trình bày 4 tham luận đến từ đại diện Cục Đường bộ VN, đại diện Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đại diện Công ty cổ phần thanh toán quốc tế Việt Nam, đại diện Visa Việt Nam.
Ở phần thứ hai, khách mời tham dự Hội thảo đã cùng tham gia phần thảo luận với chủ đề Thanh toán điện tử giao thông - người dân được lợi gì?
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết, chủ đề thanh toán điện tử trong giao thông rất được các doanh nghiệp và người dân quan tâm, gắn liền với chuyển đổi số.
Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga khai mạc Hội thảo
“Đây chắc chắn sẽ là thay đổi rất lớn trong quản lý giao thông đô thị, trong thói quen, hành vi của mỗi người dân khi sử dụng các dịch vụ giao thông”, TBT Báo Giao thông khẳng định.
Tại Hội thảo, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, Luật Đường bộ có quy định riêng về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Cụ thể, thanh toán điện tử gồm thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.
Triển khai Luật Đường bộ, Bộ GTVT đã xây dựng Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Về mô hình triển khai thanh toán điện tử, ông Tô Nam Toàn cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Ông Tô Nam Toàn tại buổi Hội thảo
Về việc triển khai chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi đưa ra lộ trình, Cục Đường bộ Việt Nam đã lường trước các vấn đề để bảo đảm kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Toàn, hiện nay hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng đang triển khai đã có sẵn dịch vụ này. Trong đó, Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kết nối ví Viettel Pay với tài khoản thu phí. Hiện nay, chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản thu phí sang phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là chuyển đổi ngay được tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong tương lai, các đơn vị cung cấp khác như VISA có thể ký hợp đồng với VETC, VDTC để kết nối phương tiện thanh toán và chủ phương tiện có thể lựa chọn ví VISA để kết nối thanh toán.
Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, một số mục tiêu được đặt ra đến năm 2025 như: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; tăng trưởng 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tốc độ tăng trưởng bình quân (theo năm) về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 20-25%...
Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống thanh toán liên ngân hàng; có khoảng 85 ngân hàng sử dụng Internet Banking, 52 ngân hàng sử dụng Mobile Banking. Về giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật…
Mở đầu phần tọa đàm, người điều phối gửi câu hỏi đến ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam: "Ông có thể chia sẻ ngắn gọn để các chủ phương tiện, người tham gia giao thông có thể hình dung tài khoản giao thông này có "hình thù" ra sao, có chức năng như thế nào và chứa đựng những cơ sở dữ liệu gì?”
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng
Ông Thắng cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành GTVT, trong đó có ngành đường bộ đã tích cực tham gia đổi mới làm sao để thuận lợi nhất cho người dân.
"Chúng tôi xác định tăng giải pháp giao thông thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường bộ. Ngày 27/3/2017, Thủ tướng đã ký Quyết định 07 và sau đó là Quyết định 19 năm 2020, trong đó chúng tôi quản lý gần 100 trạm thu phí. Trạm thu phí tự động đầu tiên chưa được hưởng ứng mạnh mẽ. Mới đầu chỉ thu phí tự động một chiều cho một làn xe, rất khó khăn, tưởng chừng thất bại khi 3-4 năm đầu triển khai ì ạch. Thế nhưng, khi có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, chúng tôi đã thành công triển khai thu phí không dừng từ 2 làn xe trên tuyến quốc lộ 1, từ đó triển khai toàn bộ trên tuyến cao tốc.
Tuyến cao tốc đầu tiên là Hà Nội - Hải Phòng thu phí không dừng hoàn toàn. Hiện nay chúng ta đã triển khai trên 5,6 triệu phương tiện, chiếm 97% lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Đây là bước đầu thành công.
Ngày hôm nay, Thủ tướng đã ký quyết định ban hành Nghị định 119 có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Đây là bước tiến mới trong thanh toán giao thông đường bộ. Điều này góp phần tăng cường minh bạch và giảm bớt hạn chế việc phải dừng trước đây. Chúng tôi đã lường trước được những việc đã phải làm trong thời gian tới", ông Thắng nói.
Tiếp tục phần tọa đàm, người điều phối đặt câu hỏi về việc hiện nay, các đơn vị tham gia thanh toán bị giới hạn định mức thanh toán dịch vụ theo quy định của Ngân hàng nhà nước, vậy với dịch vụ thanh toán giao thông có được đưa vào nhóm dịch vụ ưu tiên, không áp dụng quy chế về hạn mức và một số bước xác thực thanh toán hay không?
Trả lời vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT thông tin, với Ngành Giao thông, việc quản lý thu phí không dừng thực hiện trên hai đối tượng gồm phương tiện và chủ người tham gia giao thông.
Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT Lê Thanh Tùng phát biểu tại Hội thảo
Theo ông Tùng, Ngân hàng nhà nước sẽ quản lý phương tiện thanh toán, quản lý an ninh dòng tiền. Còn việc quản lý việc tính tiền, quy định tại các điểm thu phí sẽ do Bộ GTVT phụ trách.
Do đó, trong việc thanh toán sẽ có hai phần, bao gồm trách nhiệm của Bộ GTVT cùng các đơn vị quản lý địa phương và phần thanh toán thực tế dòng tiền. Tài khoản của Bộ GTVT thực hiện việc tính tiền và quản lý các điểm thu phí, còn toàn bộ dòng tiền thực tế sẽ thực hiện trên tài khoản thanh toán của chủ phương tiện và thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng trong Toạ đàm, trả lời câu hỏi của người điều phối Hội thảo về việc, trong bối cảnh hiện nay có thể vận hành phương án 2 trong 3 phương án Napas gợi ý hay không, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các phương tiện công cộng, các nước trên thế giới đã triển khai qua rất nhiều giai đoạn khác nhau.
Bộ GTVT cũng tham khảo các mô hình và bài học thành công của các nước trên thế giới để rút ra kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam. Ba mô hình mà Napas chia sẻ sẽ áp dụng trong từng giai đoạn khác nhau một cách phù hợp, không thể áp dụng mô hình 2 trong thời điểm ban đầu.
"Đơn cử như khi xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chỉ có một tuyến, chưa có quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng và kết nối với tuyến đường sắt này, nên trong tình huống đó mới chỉ tập trung giải quyết bài toán bán vé và thu vé. Tuy nhiên, khi các loại hình giao thông công cộng phát triển và có sự kết nối với nhau, sẽ cần tính toán đến việc dùng một phương tiện, công cụ nào đó cho người dân thuận tiện nhất khi thanh toán. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã hình thành thẻ vé dùng riêng cho giao thông. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, không nhất thiết phải sử dụng thẻ vé đó mà có thể sử dụng một phương thức, công nghệ có sẵn, như dùng ngay thẻ ngân hàng, ứng dụng khác để mua vé", ông Tùng nói.
Giám đốc Trung tâm CNTT cũng cho biết, Bộ GTVT đang xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, lựa chọn lộ trình để áp dụng, tiếp cận với những giải pháp hiện đại, có tính tương lai nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, thói quen của người dùng Việt Nam.
Tại Hà Nội và TP.HCM đã nghiên cứu việc dùng chung một thẻ vé giao thông, nhưng trong thời gian tới có thể sẽ cần tính đến giai đoạn 3, sử dụng các ứng dụng thanh toán. Điều này cũng sẽ phụ thuộc vào người dân, dựa trên mức độ thân thiện
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng Biên tập Tạp chí Viettimes nhận định, phiên thảo luận kéo dài hơn 3 tiếng cho thấy đây là chủ đề hấp dẫn vì mọi người dân, không ai không tham gia giao thông.
Tổng Biên tập Tạp chí Viettimes Nguyễn Bá Kiên
"Chúng ta bàn về chủ đề tạo ra sự phát triển tốt đẹp cho đất nước. Năm 2020 chúng ta thành công với thu phí không dừng. Nội dung hội thảo hôm nay rất rộng, ngoài việc mở chính sách mới cho đường bộ thì còn nghiên cứu cho các lĩnh vực khác như đường sắt… Tới đây, đường sắt cao tốc được thực hiện thì đây là giải pháp đột phá. Câu chuyện xây dựng thể chế rất quan trọng, thể chế luôn đi trước. Vì thế, những trao đổi ngày hôm nay chúng ta góp phần gợi mở cho tương lai ngành GTVT theo hướng làm thế nào để hoàn thiện thể chế", ông Nguyễn Bá Kiên chia sẻ.
H.L