Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam

Thứ hai, 04/11/2024 20:59

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các đơn vị liên quan đã khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh, thành từ Khánh Hòa đến TP.HCM về nội dung liên quan Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Cần huy động sức mạnh trí tuệ tập thể

Ngày 3/11, sau khi khảo sát thực tế, Đoàn công tác do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn, đã làm việc tại tỉnh Khánh Hòa về nội dung liên quan Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy tham gia cùng lãnh đạo các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua, gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.

Đoàn công tác khảo sát vị trí đặt ga tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM nhất trí cao với chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Qua đó, kiến nghị việc xây dựng đảm bảo kết nối giao thông những loại hình vận tải khác, góp phần phát triển đô thị, kinh tế địa phương.

Ngoài ra, các địa phương còn đề xuất đầu tư thêm nhà ga tiềm năng, tăng quy mô diện tích nhà ga. Đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng khung giá đất chung, những vị trí giáp ranh giữa các tỉnh để thống nhất giá đền bù, chú trọng xây dựng khu tái định cư, nguồn vật liệu...

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho rằng, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án khó, mới, cần huy động sức mạnh trí tuệ tập thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chuyên gia.

Đối với ý kiến của địa phương về vị trí ga hành khách, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị phải nghiên cứu kỹ nhu cầu, đầu tư mới đảm bảo hiệu quả, thu hút hành khách. Trong đó, có một số nguyên tắc, đô thị quy mô 500.000 dân trở lên mới có ga; hướng tuyến đi qua 20 tỉnh, thành, mỗi địa phương có tối thiểu một ga.

Những vị trí cần kết nối với phương thức vận tải khác phải đặt ga do tốc độ tàu chạy rất lớn nên khoảng cách giữa các ga không quá gần, việc mở ga để giải quyết những vấn đề vận tải, cải thiện hạ tầng đô thị...

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy giải đáp kiến nghị của các bên tại buổi làm việc

Ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa về quy hoạch ga tiềm năng tại khu vực phía Nam của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, trong giai đoạn khai thác, khi hình thành đô thị, trung tâm kinh tế mới đủ điều kiện để đánh giá, xem xét bổ sung ga. Việc đầu tư những ga này sẽ ưu tiên triển khai theo hướng huy động nguồn lực xã hội hóa.

Về tái định cư, Bộ GTVT đã trình Quốc hội, xin bố trí vốn để giải phóng mặt bằng, xây dựng khi tái định cư trước. Vì nếu làm theo trình tự, phải hai năm mới hoàn thành mọi thủ tục.

Với ý kiến của một số địa phương nên làm cầu cạn để triển khai thuận lợi hơn, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói, việc thi công cầu cạn thuận tiện hơn nhưng quan điểm của Bộ GTVT chỉ làm cầu cạn qua khu vực chia cắt cộng đồng dân cư, vị trí thoát lũ. Những vị trí địa hình thuận lợi vẫn xây dựng nền đất để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, các tỉnh, thành phải thu hồi một diện tích đất rất lớn phục vụ dự án. Đây là một thách thức, bởi đến nay, nhiều địa phương đang xây dựng giá đất, quá trình xây dựng dự án, cơ sở tính toán chi phí giải phóng mặt bằng sẽ gặp khó khăn.

Trước những ý kiến đóng góp của thành viên đoàn công tác, các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, tiếp tục bổ sung vào quy trình để xây dựng, triển khai thực hiện. Đối với phương án kiến trúc, Bộ sẽ lấy ý kiến của chuyên gia, các ngành, từ đó bổ sung, điều chỉnh.

"Đây là công trình mới, rất cần sự giúp đỡ của tất cả cấp, ngành, những bên liên quan, Bộ GTVT luôn cầu thị tiếp thu để hoàn thành sản phẩm kết tinh trí tuệ của mọi người chứ không phải riêng của ngành GTVT. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá sẽ là công trình trọng điểm quốc gia mang lại nhiều giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh; tối ưu cơ cấu thị phần vận tải, góp phần giảm chi phí logistics; tạo cơ hội phát triển cho các địa phương, tái cơ cấu các đô thị, tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ, xây dựng…", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Quyết tâm thực hiện dự án

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn khẳng định, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trục Bắc - Nam với tinh thần chỉ đạo khẩn trương, quyết tâm thực hiện dự án.

Việc sớm đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch.

Do tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án, Ban Chấp hành Trung ương đã giao các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo đơn vị liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, xin ý kiến Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.


Sơ đồ hướng tuyến qua địa bàn Khánh Hòa

"Trên cơ sở ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ Bộ GTVT và cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến thẩm tra chính thức về nội dung này. Trong đó, sẽ đánh giá cụ thể về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Cùng đó, cũng xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư, tính hợp lý, khả thi những chỉ tiêu kinh tế, đầu tư của dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư...", ông Nguyễn Minh Sơn khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cũng thông tin, sẽ xem xét, đánh giá phương án đầu tư phù hợp, về tốc độ thiết kế, công năng vận tải, quy mô đầu tư, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, công nghệ… để hoàn thiện phương án đầu tư đảm bảo khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.

* Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM, dài trên 360km. Riêng đoạn qua Khánh Hòa khoảng 130km, qua 6 địa phương: Huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh. Điểm đầu của tuyến thuộc xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh); điểm cuối thuộc xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh).

Năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận với Bộ GTVT trên tuyến qua địa bàn sẽ bố trí 1 nhà ga, 1 đề-pô (kho hàng) và 2 trạm bảo dưỡng. Vị trí nhà ga đặt tại xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh), cách Quốc lộ 27C khoảng 1,5km, cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 11km.

Nhà ga dự kiến có diện tích khoảng 4,5ha và diện tích quảng trường ga khoảng 1,6ha. Vị trí dự kiến xây dựng Ga Diên Khánh có khoảng cách trên 100km so với Ga Tuy Hòa và dưới 100km so với Ga Tháp Chàm. Khoảng cách này tương đối xa nên UBND tỉnh đề nghị xem xét bổ sung ga ở TP Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:61133
Lượt truy cập: 174.324.772