Trong những năm qua, Ban QLDA6 được Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao làm đại diện Chủ đầu tư nhiều dự án bằng nhiều nguồn vốn trong nước và nước ngoài, trong đó có các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trong nước quan trọng như: Dự án khôi phục, cải tạo QL70 đoạn km0 - km130, Dự án QL32 Vách Kim - Bình Lư, Dự án QL2 đoạn Đền Hùng - Đoan Hùng, Dự án xây dựng cầu Yên Lệnh bắc qua sông Hồng, Dự án nâng cấp, cải tạo QL279 đoạn Tuần Giáo - Điện Biên, Dự án QL3 đoạn Bờ Đậu - Cửa khẩu Tà Lùng, Dự án QL4A đoạn Lùng Phầy - Thị xã Cao Bằng, Dự án QL4C - 4D nối Hà Giang - Lào Cai, Dự án QL279 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn…
Các dự án được giao quản lý hầu hết là các dự án thuộc khu vực miền núi phía Bắc của Tổ quốc điều kiện địa hình khó khăn, địa chất phức tạp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với năng lực và kinh nghiệm bản thân, Ban QLDA6 đã từng bước vươn lên khẳng định mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều dự án đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng được đánh giá cao như: Dự án nâng cấp, cải tạo QL2 đoạn Đền Hùng - Đoan Hùng được Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam chọn làm công trình tiêu biểu chào mừng và gắn biển kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam năm 2009; Dự án QL32 đoạn Vách Kim - Bình Lư đã được Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam gắn biển công trình chào mừng 65 năm ngày truyền thống Ngành GTVT và chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Các dự án này đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, mang lại hiệu quả cao trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cải thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, làm thay đổi mạnh mẽ đời sống của nhân dân địa phương.
Từ kết quả điều hành các dự án đã hoàn thành cho thấy vốn trong nước được đầu tư cho các dự án thường bị hạn chế, suất đầu tư nhỏ, yêu cầu về chất lượng và hiệu quả đầu tư cao, trong khi các dự án này lại là các tuyến giao thông huyết mạch, vừa thi công, vừa phải đảm bảo giao thông như Dự án QL70 (km0 - km130). Dự án QL2 đoạn Đền Hùng - Đoan Hùng, Dự án QL3 đoạn Bờ Đậu - Cửa khẩu Tà Lùng…
Để nâng cao chất lượng trong hoạt động đầu tư, thực hiện đúng các nội dung quản lý chất lượng theo các Nghị định của Chính phủ như Nghị định 209/2004/NĐ - CP ngày 16/12/2004, số 49/2008/NĐ - CP ngày 18/4/2008, Thông tư số 27/2009/TT - BXD… cho từng giai đoạn cụ thể, ngay từ bước đầu triển khai thực hiện dự án, Ban đã đề ra kế hoạch, lên chương trình hành động, giao nhiệm vụ cho từng đồng chí Lãnh đạo, cán bộ phụ trách dự án, từng phòng quản lý dự án, lập trình tự điều hành với các nội dung cụ thể đối với từng giai đoạn, tăng cường trách nhiệm cá nhân…
1. Về quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế xây dựng
Quản lý chất lượng công trình ngay từ giai đoạn khảo sát, thiết kế là bước rất quan trọng để tạo ra sản phẩm có chất lượng. hiện nay các đơn vị tư vấn thiết kế thường lập dự án theo kinh nghiệm ước tính suất đầu tư, chưa được thực sự chú trọng đến tính hiệu quả của dự án. Số lượng các đơn vị tư vấn nhiều nhưng đa số năng lực và kinh nghiệm còn yếu. Thời gian thực hiện công tác lập dự án, công tác khảo sát thiết kế gấp không đủ để nghiên cứu đề ra các giai pháp và hồ sơ có chất lượng cao.
* Một số tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng công tác khảo sát thiết kế
a) Bước lập dự án đầu tư xây dựng công trình
- Việc tính toán, dự báo lưu lượng xe đề xuất lựa chọn quy mô đầu tư con chưa được nghiên cứu toàn diện, công tác đếm xe còn mang tính hình thức, chưa phản ánh hết thực tế, vai trò và sự hấp dẫn của tuyến đường sau nâng cấp, cải tạo nên nhiều tuyến đường vừa đưa vào khai thác đã bị quá tải như Dự án khôi phục, cải tạo QL70, Dự án QL3 đoạn Bờ Đậu - Cửa khẩu Tà Lùng.
- Việc nghiên cứu đề xuất nhiều phương án so sánh lựa chọn phương án tuyến tối ưu chưa thực sự được tư vấn quan tâm. Phương án được chọn chưa phù hợp dẫn đến nhiều vị trí đào cao, đắp sâu phải sử dụng các giải pháp kiên cố hóa như tường chắn, cắt cơ giảm tải, ốp mái… gây lãng phí và vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định công trình. Công tác triển tuyến trên bản đồ, bình đồ có sẵn trước khi khảo sát ngoài thực địa còn sơ sài, chưa được chủ nhiệm thiết kế quan tâm, phó mặc cho các đội khảo sát cắm tuyến ngoài thực địa dẫn đến chất lượng khảo sát khi đưa vào thiết kế chưa cao như dự án nâng cấp cải tạo QL4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai.
- Các giải pháp thiết kế chính trong bước dự án chưa được đầu tư nghiên cứu cẩn thận, còn xảy ra tình trạng sao chép bản vẽ điển hình từ công trình này sang công trình khác nhưng không chỉnh sửa cho phù hợp với công trình hiện tại.
b) Bước thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công
- Mặc dù đây là bước thiết kế chi tiết để thi công nhưng công tác khảo sát còn chưa được chuẩn xác, số liệu trắc ngang chi tiết nhiều khi còn nội suy, sửa số liệu trên máy không cập nhật lại thực tế hiện trường nhất là các công trình miền núi. nhiều dự án đơn vị thi công kiểm tra lại sai số trắc ngang rất lớn dẫn đến phải thiết kế và tính toán lại khối lượng trên từng trắc ngang. Các dự án có nhiều tư vấn cùng tham gia nhưng tư vấn tổng thể chưa hoàn thành vai trò của mình nên thiếu tính thống nhất, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt dẫn đến thiết kế thiếu tính đồng bộ ví dụ cùng một số dự án có tư vấn sử dụng cọc tiêu kích thước (18x18)cm, tư vấn khác sử dụng (15x15)cm hoặc (12x12)cm; Rào hộ lan tôn lượn sóng trên cùng địa hình tương tự có đơn vị áp dụng bước cột 3m, có đơn vị lại dùng bước cột 2m… như Dự án khôi phục, cải tạo QL70, Dự án QL3 đoạn Bờ Đậu - Cửa khẩu Tà Lùng, Dự án cải tạo nâng cấp QL4A.
- Đặc biệt có tư vấn còn phụ thuộc nhiều vào kết quả thiết kế bước Lập dự án, việc nghiên cứu điều chỉnh các vấn đề về kỹ thuật chưa hợp lý, tồn tại từ bước trước chưa được quan tâm như điều chỉnh các cánh tuyến, vi chỉnh các đỉnh đường cong, thay đổi bán kính cong v.v…
- Việc tính toán, xử lý ổn định công trình qua các vùng đất yếu, sụt trượt… sơ sài, tư vấn thường áp dụng định hình có sẵn mà không có sự tính toán kiểm tra lại để so sánh lựa chọn phương án nên nhiều vị trí mặc dù đã được kiên cố hóa nhưng tính ổn định vẫn chưa cao.
- Đối với các tuyến đường nâng cấp cải tạo đang khai thác Tư vấn chưa quan tâm đến công tác đảm bảo giao thông, hoặc phương án đảm bảo giao thông không hợp lý, chi phí dùng cho đảm bảo giao thông hiện nay thường được tính theo tỷ lệ phần trăm của xây lắp vì vậy việc đôn đốc, chỉ đạo Nhà thầu đảm bảo giao thông còn gặp nhiều khó khăn.
- Công tác khảo sát điều tra đánh giá trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu còn sơ sài, nhiều dự án còn chưa phù hợp với thực tế dẫn đến các sai sót ảnh hưởng đến quá trình thi công như trữ lượng mỏ không đáp ứng đủ yêu cầu, cường độ vật liệu không đảm bảo, cự ly vận chuyển sai khác so với dự toán của Tư vấn…
* Các giải pháp đề xuất để tăng cường công tác quản lý chất lượng trong khảo sát, thiết kế
- Trước khi lập đề cương khảo sát, yêu cầu các phòng ban tiến hành thị sát tuyến, nghiên cứu kỹ địa hình địa mạo khu vực dự án để lập đề cương chi tiết, đầy đủ các yếu tố cần thiết để phục vụ cho công tác thiết kế, tránh bổ sung, điều chỉnh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án.
- Tăng cường công tác giám sát khảo sát, yêu cầu các chuyên viên khi kiểm tra, nghiệm thu khảo sát phải rà soát kỹ hồ sơ khảo sát và thực tế hiện trường. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu tư vấn khảo sát đo đạc kiểm tra lại để đảm bảo chất lượng hồ sơ khảo sát.
- Để đảm bảo chất lượng và tiến độ hồ sơ, cần thiết phải tổ chức giao ban với đơn vị tư vấn, đồng thời cử cán bộ, chuyên viên trực tiếp qua trụ sở các đơn vị tư vấn phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết kế hợp lý. Đối với những dự án yêu cầu gấp về tiến độ, tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với tư vấn. Đưa các điều khoản cụ thể vào hợp đồng để yêu cầu Tư vấn phải bố trí đủ các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực hiện khảo sát, thiết kế. Có các chế tài cụ thể để xử phạt những hồ sơ thiết kế không đảm bảo chất lượng. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm tra đồng thời lựa chọn các đơn vị thẩm tra có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực tư vấn.
2. Về quản lý chất lượng trong quá trình thi công
Quản lý chất lượng công trình xây dựng trong quá trình thi công đang được đặt lên hàng đầu trong công tác quản lý dự án. Nâng cao chất lượng trong quá trình thi công trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự tham gia của nhiều đơn vị từ Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế, Nhà thầu đến địa phương. Các hoạt động quản lý chất lượng cần phải được quan tâm ngay từ đầu để tránh xảy ra các vấn đề liên quan đến chất lượng mới tìm cách xử lý khắc phục.
a) Một số tồn tại của Nhà thầu thi công
- Năng lực tài chính một số nhà thầu yếu kém nên việc thi công manh mún, kéo dài thời hạn hợp đồng. Nhiều nhà thầu cùng một lúc đấu thầu và nhận nhiều công trình đẫn đến công việc thi công dàn trải, phụ thuộc nhiều vào việc tạm ứng và thanh toán của Chủ đầu tư.
- Khi triển khai thi công nhiều Nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị không đúng hồ sơ dự thầu, một số Nhà thầu không đủ năng lực đã phải điều chuyển khối lượng, bổ sung Nhà thầu phụ vào thi công. Trình độ và năng lực các cán bộ kỹ thuật của Nhà thầu còn yếu kém, số lượng thiếu. Nhiều công nhân kỹ thuật phổ thông của Nhà thầu chưa được đào tạo bài bản, làm việc mang tính thời vụ nên trách nhiệm đối với công việc chưa cao như Dự án QL279 đoạn Tuần Giáo - Điện Biên.
- Trong quá trình thi công, Nhà thầu còn chưa thực hiện đúng trình tự theo quy trình, quy phạm và chỉ dẫn kỹ thuật của hồ sơ mời thầu, không có hệ thống quản lý chất lượng và nghiệm thu nội bộ theo quy định tại Nghị định 209, chưa quan tâm đến công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường…
b) Một số tồn tại của Tư vấn giám sát (TVGS)
- Tình độ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của một số trưởng TVGS, giám sát viên vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa nắm bắt được đầy đủ các quy trình quy phạm hiện hành và các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Nhiều TVGS chưa thực sự sâu sát công việc, mức độ tâm huyết cũng như trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao, điều này cũng một phần do cơ chế chính sách còn bất cập, gói thầu thường kéo dài hơn thời hạn làm tăng kinh phí thực tế của Tư vấn giám sát nhưng chi phí không được điều chỉnh kịp thời.
- Việc kiểm tra hồ sơ trúng thầu trước khi chấp thuận cho nhà thầu vào thi công chưa được quan tâm như: Nhân sự và Ban điều hành, máy móc thiết bị, phòng thí nghiệm… Việc kiểm tra hướng dẫn nhà thầu làm thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành, nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu thanh toán còn chưa tốt. Việc kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào như đất đắp K95, K98, vật liệu cấp phối… còn qua loa, châm trước.
* Các giải pháp đề xuất để tăng cường công tác quản lý chất lượng trong quá trình thi công
- Hàng tháng Lãnh đạo Ban được phân công phụ trách dự án họp trực tiếp tại công trường với Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế, Nhà thầu để đôn đốc kiểm tra chất lượng tiến độ. Các cán bộ của Ban có mặt thường trực tại hiện trường để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, sai khác giữa thực tế và bản vẽ, đồng thời tham gia phối hợp tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng công trình.
- Yêu cầu các Nhà thầu trước khi thi công phải trình Ban QLDA, Tư vấn giám sát kế hoạch và phương thức kiểm soát chất lượng bao gồm: Kiểm soát và đảm bảo chất lượng vật tư, vật liệu, cấu kiện, thiết bị, công trình và thiết bị công nghệ được sử dụng: Kiểm soát và đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn công tác thi công xây dựng.
- Đối với các Nhà thầu thi công, yêu cầu phải sử dụng thiết bị đúng như Hồ sơ dự thầu, nếu có trường hợp cần thay thế thì phải có năng lực hơn hoặc tương đương và phải trình Tư vấn giám sát kiểm tra trước khi trình Ban chấp thuận. Yêu cầu Nhà thầu phải có hệ thống kiểm soát nội bộ, tổ chức nghiệm thu nội bộ trước khi trình TVGS và Ban nghiệm thu.
- Khi phát hiện Nhà thầu có biểu hiện thi công chậm, không đảm bảo chất lượng thì lập ngay biên bản hiện trường, yêu cầu Lãnh đạo Nhà thầu ký cam kết. Sau một thời gian nếu Nhà thầu không có chuyển biến thi kiên quyết có giải pháp xử lý ngay tránh để tình trạng kéo dài ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình như gói thầu số 5 Dự án QL279 đoạn Tuần Giáo - Điện Biên, gói thầu số 1,5 Dự án nâng cấp QL4A đoạn km66 - 116.
- Đối với Tư vấn giám sát, trước khi huy đọng lên công trường, Ban QLDA tiến hành kiểm tra năng lực từng cá nhân, trong trường hợp cần thiết tổ chức phỏng vấn, sát hạch trước khi tham gia giám sát công trình. Gắn trách nhiệm, quyền hạn của từng TVGS viên, trưởng TVGS với chất lượng công trình theo đúng quy chế TVGS. Đối với hợp đồng tư vấn giám sát, đưa vào hợp đồng các điều khoản, chế tài xử phạt khi công trình không đảm bảo chất lượng.
3. Vai trò và trách nhiệm của địa phương noi có dự án đi qua trong công tác nâng cao chất lượng dự án
Địa phương nơi có dự án đi qua đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công trình. Với những dự án công tác giải phóng mặt bằng địa phương triển khai nhanh, mặt bằng bàn giao không bị xôi đỗ thì việc tổ chức thi công sẽ khoa học, hợp lý hơn, dây chuyền thi công liên tục không bị gián đoạn. Việc giám sát cộng đồng của nhân dân cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dự án.
Xác định giải phóng mặt bằng cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Ban trong công tác quản lý vì vậy Ban QLDA6 trong từng dự án luôn cử cán bộ chuyên viên chuyên trách, thường trực phối hợp với chính quyền, Ban GPMB của địa phương tham gia hỗ trợ công tác nghiệp vụ, chuyên môn. Đồng thời để đẩy nhanh hơn nữa công tác GPMB, Ban QLDA6 tham gia cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến chính sách, vận động nhân dân ủng hộ công tác GPMB. Với những vị trí có tính chất xử lý kỹ thuật phức tạp, thời gian thi công phải kéo dài như xử lý nền đất yếu, các công trình như cầu, cống, các vị trí tường chắn… ưu tiên tập trung GPMB để bàn giao mặt bằng sớm cho nhà thầu.
Nhờ phối hợp tốt với địa phương cho nên mặc dù công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban QLDA6 luon nhân được sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo UBND các tỉnh, huyện và xã nơi có dự án đi qua để Ban hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng.
4. Vai trò và trách nhiệm của Ban quản lý trong công tác quản lý chất lượng các dự án.
Trong những năm qua, Ban QLDA6 đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng quản lý công trình nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác quản lý dự án. Ban đã xây dựng được bộ máy đầy đủ các phòng ban chức năng có năng lực, có chuyên môn đồng thời từng bước hoàn thiện mô hình hoạt động. Chất lượng các dự án Ban được giao quản lý ngày càng được nâng cao rõ rệt. nhiều dự án sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng đã được đánh giá cao về chất lượng. Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong công tác quản lý vẫn còn một số tồn tại cần sự thay đổi quyết lệt hơn nũa của Ban như:
- Công tác kiểm tra, kiểm soát hồ sơ thiết kế trình duyệt còn chưa sâu sát, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra các chính kiến cụ thể trước khi trình duyệt.
- Chưa thực sự quyết liệt đối với đơn vị Tư vấn giám sát, chưa có các chế tài cụ thể đối với Tư vấn giám sát khi để xảy ra vi phạm về chất lượng công trình.
- Công tác kiểm tra các điều kiện trước, trong và sau khi thi công đối với các nhà thầu còn chưa chặt chẽ, quyết liệt.
Để nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Đại diện chủ đầu tư, Ban QLDA6 chúng tôi đang có những thay đổi cả về chất lẫn lượng, từng bước hoàn Thiện các phòng ban, hoàn thiện mô hình hoạt động như:
- Ban đang nâng từng bước xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001 - 2008, xây dựng hệ thống kết nối giữa hiện trường và phòng quản lý dự án để Lãnh đạo Ban có thể chỉ đạo trực tiếp công trường.
- Tổ chức các hội thảo, chuyên đề về công tác quản lý chất lượng như Quản lý chất lượng trong công tác khảo sát thiết kế, quản lý chất lượng trong quá trình thi công… Các phòng nghiệp vụ của Ban trao đổi, thảo luận đề xuất các biện pháp cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý dự án. Hàng năm cử cán bộ, chuyên viên đi học các lớp nâng cao nghiệp vụ như Quản lý dự án, giám sát dự án, kỹ sư định giá…
- Hàng tuần, hàng tháng các phòng điều hành dự án phải có bản báo cáo chi tiết, cụ thể về tình hình triển khai tại các công trường để Lãnh đạo Ban và các phòng chức năng kịp thời năm bắt tình hình và có các giải pháp xử lý khi cần thiết.
- Ban hành quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc Ban để phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia công tác dự án.
- Trong các buổi sinh hoạt Đảng, chính quyền thường xuyên kiểm điểm, nhắc nhở các cán bộ, chuyên viên của ban rèn luyện ý thức bản thân, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý dự án.
Ban QLDA 6