Đánh giá tổng quan về công tác tăng cường Quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông

Thứ năm, 24/02/2011 14:43
Báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng CTGT tại Hội nghị tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông năm 2011 v/v đánh giá tổng quan về công tác tăng cường Quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông
I. Đặt vấn đề
Đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông sau khi xây dựng đưa vào khai thác, tuổi thọ của công trình cũng như khả năng đáp ứng được yêu cầu cho phương tiện tham gia giao thông theo dự án được duyệt, phụ thuộc vào hai giai đoạn: Lập thẩm định dự án, triển khai thực hiện xây lắp công trình và Quản lý trong quá trình khai thác (bảo trì, duy tu sửa chữa...). Các giai đoạn thực hiện trên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều chủ thể tham gia đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ của công trình. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng bao gồm các hoạt động quản lý chất lượng trong các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành, bảo trì và xử lý sự cố công trình xây dựng.
1. Đối với giai đoạn đầu tư xây dựng: Hoạt động đảm bảo chất lượng công trình xây dựng phụ thuộc vào quá trình đầu tư xây dựng, từ bước chuẩn bị đầu tư (lập dự án đầu tư) đến thực hiện đầu tư, công tác khảo sát thiết kế, thẩm định, phê duyệt và thi công xây dựng công trình.
- Các yếu tố kỹ thuật: Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn và công nghệ thi công). Vị trí địa điểm xây dựng công trình, đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn.
- Các chủ thể tham gia vào dự án: Tư vấn lập, thẩm định dự án; Thẩm tra Thiết kế kỹ thuật... Các cơ quan quản lý nhà nước, Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tư vấn giám sát xây dựng, kiểm định dự án và đặc biệt là nhà thầu thi công...
- Các chế độ chính sách trong công tác quản lý xây dựng, tiền vốn và các yếu tố xã hội tác động đến dự án.
2. Đối với giai đoạn quản lý khai thác và bảo trì cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố (Vụ KCHT):
- Công tác tổ chức quản lý khai thác, bảo trì công trình xây dựng.
- Các điều kiện xã hội, ý thức của người và phương tiện tham gia giao thông.
- Các quy định trong quản lý khai thác (Quy định bảo trì, duy tu sửa chữa).
- Nguồn vốn đảm bảo cho công tác bảo trì, duy tu sửa chữa.
- Các hoạt động quan trắc, kiểm định đánh giá chất lượng, khả năng chịu lực của công trình trong quá trình khai thác.
Để nâng cao chất lượng công trình xây dựng, trong hội nghị này Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT tập trung phân tích đánh giá hoạt động quản lý chất lượng công trình trong giai đoạn đầu tư xây dựng, trên cơ sở phân tích thực trạng về chất lượng từ khâu lập dự án, thiết kế, đấu thầu, thi công xây dựng công trình (có chú trọng đến an toàn lao động). Phát hiện, đánh giá những nguyên nhân tồn tại và đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực xây dựng công trình giao thông trong những năm tới.
II. Đánh giá tổng quát về chất lượng công trình trong những năm vừa qua
Trong những năm vừa qua, các nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cao. Mỗi năm trong ngành đưa vào khai thác hàng ngàn km đường bộ, hàng trăm chiếc cầu đường bộ, đường sắt, cùng các cảng biển, cảng hàng không và những tuyến đường thủy. (Ví dụ, trong năm 2009 đã xây dựng mới và cải tạo khoảng 750km đường bộ, trên 20km cầu và các công trình khác, đưa vào sử dụng trên 30 dự án, khối lượng thực hiện khoảng 33.000 tỷ đồng; trong năm 2010 đã xây dựng mới và cải tạo khoảng 1.000km đường bộ, trên 8.700m cầu, các công trình nhà ga, sân đỗ..., đưa vào sử dụng trên 30 dự án, khối lượng thực hiện khoảng 39.000 tỷ đồng). Các công trình xây dựng đưa vào sử dụng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nhìn chung chất lượng công trình tại các dự án đầu tư khi đưa vào khai thác đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên cũng có không ít dự án khi vừa mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện những hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình, kể cả trong quá trình xây dựng, gây bức xúc cho xã hội.
1. Điểm qua hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình trong thời gian qua
1.1 Trong quá trình xây dựng: Trong quá trình thi công xây dựng, đã xảy ra những hư hỏng tại một số dự án như: Lún sụt nền đường, sạt lở ta luy nền đường, lún và sụt lở đường hai đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt hoặc bong bật; Mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu bị nghiêng đổ trong quá trình thi công, sập đà giáo thi công, nghiêng đổ giá búa ...
1.2 Trong quá trình khai thác: Một số dự án mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình như: Quốc lộ 91 (Cần Thơ), Quốc lộ 53 (Vĩnh Long), Quốc lộ 48 (Nghệ An - Dự án WB4), một số đoạn trên QL1A (Hợp phần bảo trì dự án WB4), Quốc lộ 27B, thảm BTN mặt cầu Thăng Long, tuyến tránh Phú Yên...
2. Nguyên nhân
2.1 Nguyên nhân khách quan: Bao gồm công tác giải phóng mặt bằng; Do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp dẫn đến hạn chế trong việc xác định quy mô đầu tư của dự án; Sự phát triển nhanh về lưu lượng vận tải, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn; Ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu...
2.2 Nguyên nhân chủ quan: Các chủ thể tham gia dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư đến kết thúc dự án (Chủ đầu tư, Tư vấn, Nhà thầu thi công...) cụ thể là:
- Công tác khảo sát thiết kế, lựa chọn giải pháp thiết kế, sử dụng vật liệu xây dựng và công nghệ thi công: Công tác tư vấn KSTK còn nhiều hạn chế, nhất là bước lập dự án và thiết kế cơ sở chưa đảm bảo chất lượng, nên đến giai đoạn khảo sát thiết kế kỹ thuật phải điều chỉnh, bổ sung, nhiều trường hợp phải điều chỉnh qui mô, giải pháp kỹ thuật, kéo dài thời gian thực hiện.
Việc tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn, từ Tư vấn lập dự án, Tư vấn KSTK đến Tư vấn thẩm tra, Tư vấn giám sát, Tư vấn kiểm định chất lượng trong điều kiện hiện nay còn mang nặng tính hình thức, kém tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện dự án.
- Quy trình thiết kế, quy trình thi công chuyên ngành chưa phù hợp: Việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ chưa đảm bảo sự lựa chọn tối ưu về kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án.
- Sự tuân thủ trong quá trình thi công và năng lực của nhà thầu: Nhìn chung, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu chưa tuân thủ đầy đủ theo các điều kiện về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; Các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động, thực hiện các quy định về môi trường còn bị coi nhẹ. Các công trường xây dựng triển khai thiếu khoa học, mặt bằng thi công bề bộn; Bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc đảm bảo chất lượng của nhà thầu chưa được quan tâm đúng mức. Nguy cơ vi phạm chất l­ượng công trình xây dựng là lớn và tiềm ẩn.
- Đầu tư thiết bị và công nghệ của các đơn vị thi công hạn chế (trong đó có lý do cơ chế khoán cho đơn vị, đơn vị dưới công ty manh mún), không có điều kiện đổi mới công nghệ và thiết bị.
- Quản trị tài chính doanh nghiệp yếu kém; Tính toán chi phí quản lý, phục vụ thi công chưa đúng.
- Chưa có chính sách quản trị nguồn nhân lực.
- Công tác quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện: Công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình xây dựng của Chủ đầu tư, Ban QLDA, Giám sát xây dựng, Giám sát tác giả của tư vấn thiết kế... còn nhiều điểm yếu, thiếu tính chuyên nghiệp. Đội ngũ TVGS chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý chất lượng trên công trình, chưa kiên quyết xử lý các vi phạm về chất lượng.
- Đấu thầu giá thấp để thắng thầu, dẫn đến yếu kém về chất lượng trong thi công, không đủ chi phí đảm bảo chất lượng công trình.
- Kinh phí bảo trì, duy tu, sửa chữa công trình không đủ nên công trình xuống cấp, không đảm bảo được tuổi thọ công trình.
III. Thực trạng và hoạt động của các chủ thể tham gia công tác quản lý chất lượng công trình giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường
1. Hệ thống các văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định, Quy chế
- Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003; Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản của Luật Xây dựng.
- Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
- Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng. Thông tư 22/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết về điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng.
- Quy chế Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình trong ngành giao thông vận tải Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra Bộ GTVT đã ra nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn để chấn chỉnh và nâng cao công tác chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường (Xem phần Phụ lục).
2. Thực tế hoạt động và những vấn đề còn tồn tại của các chủ thể trực tiếp tham gia hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng
Phân tích, đánh giá thực tế hoạt động và những vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng đến công tác quản lý chất lượng công trình của các chủ thể tham gia vào dự án trong các bước chuẩn bị đầu tư dự án (lập dự án, lập nhiệm vụ, đề cương...), thiết kế công trình, thi công và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
2.1 Chủ đầu tư (đại diện là các Ban QLDA):
Theo qui định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, công tác quản lý, giám sát chất lượng thi công xây dựng công trình là trách nhiệm của Chủ đầu tư. Hiện nay, các Ban QLDA không tổ chức riêng đội ngũ giám sát và quản lý chất lượng dự án, mà tổ chức thành các phòng quản lý chung dự án. Do vậy hầu hết các Chủ đầu tư không thực hiện phương thức tự quản lý dự án mà các Ban QLDA thuê tổ chức Tư vấn giám sát là phổ biến. Tư vấn giám sát là nhà thầu tư vấn, các quy định về quản lý chất lượng chủ yếu quy định cho Chủ đầu tư (Ban QLDA) chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng; Chưa có văn bản quy định cụ thể trách nhiệm cho Tư vấn giám sát (Bộ GTVT đang áp dụng Quy chế TVGS theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2008 của Bộ GTVT về TVGS thi công xây dựng công trình trong Ngành GTVT), việc xác định trách nhiệm của Tư vấn giám sát được thông qua Hợp đồng giữa Ban QLDA và tổ chức Tư vấn.
Trong khi đó, năng lực của một số Chủ đầu tư (Ban QLDA) còn hạn chế, chưa có kỹ năng và tính chuyên nghiệp nên không đáp ứng được yêu cầu khi được giao làm chủ đầu tư các dự án có qui mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao, đã giao phó toàn bộ công tác quản lý chất lượng cho tư vấn giám sát, mà Tổ chức TVGS hiện tại lại còn nhiều tồn tại cần phải chấn chỉnh, Hợp đồng giữa các bên lại không quy định rõ ràng. Chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp khi trên công trường xẩy ra hư hỏng, tai nạn hoặc sự cố, cán bộ của Ban QLDA không nắm được trình tự thi công và đã để xảy ra sự việc đáng tiếc (Vì quá tin tưởng ở Tư vấn GS).
2.2 Tư vấn xây dựng:
*Tư vấn thiết kế: Trong bước lập dự án, lập hồ sơ thiết kế và giám sát tác giả trong xây dựng:
Ngoài một số ít các doanh nghiệp Tư vấn lớn có truyền thống, bề dày kinh nghiệm, còn lại là các doanh nghiệp Tư vấn nhỏ lẻ mới hình thành trong những năm gần đây, còn yếu về năng lực.
Hiện nay thiếu các tư vấn chất lượng cao ở tầm vĩ mô trong việc đề xuất các chủ trương đầu tư xây dựng, quy hoạch, lập dự án, đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ chính xác, hợp lý, khả thi; Trong nhiều trường hợp đã để xảy ra các sai sót, phải điều chỉnh cho quá trình xây dựng gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình.
Nhiều tổ chức tư vấn do đòi hỏi bức bách của công việc mà hình thành, chưa có những định hướng, chiến lược phát triển rõ rệt. Các Công ty tư vấn xuất hiện tràn lan, đã bắt đầu có hiện tượng một số doanh nghiệp tư vấn về việc thực hiện dịch vụ theo kiểu môi giới hoặc thuê mượn, thiếu thực lực gây hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động tư vấn.
Chính vì vậy trong quá trình lập dự án, thiết kế công trình còn có nhiều thiếu sót:
- Trong quá trình lập dự án: Khi đưa ra quy mô dự án, Tư vấn còn lệ thuộc quá nhiều vào ý chí của các cơ quan quản lý. Nhất là các dự án đi qua các địa phương, các Tư vấn đều lập theo đề nghị của địa phương (Quy mô, hướng tuyến…) mà không chủ động theo đề xuất của mình, dẫn đến khi lập thiết kế kỹ thuật phải điều chỉnh lại thiết kế cơ sở.
- Trong bước thiết kế kỹ thuật (Thiết kế bản vẽ thi công): Công tác khảo sát điều tra địa chất, thủy văn không chính xác (Trong công tác này hầu hết lại không được Ban QLDA nghiệm thu tại hiện trường mà chỉ nghiệm thu trên hồ sơ). Các giải pháp thiết kế đưa ra ở một số dự án không phù hợp, các công trình đang thi công dở dang phải thay đổi giải pháp kỹ thuật, phải tạm dừng để điều chỉnh thiết kế hoặc thiết kế bổ sung…
Các biểu hiện về chất lượng khi công trình thi công xong đưa vào sử dụng đã xảy ra hiện tượng nứt, lún, sụt trượt, xử lý nước ngầm… như các dự án nêu trên. Không thể nói chỉ do sai sót của đơn vị thi công mà còn là do sai sót của thiết kế gây ra.
Hơn nữa hiện nay nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông lớn, các tổ chức Tư vấn thuộc Bộ GTVT không phát triển thêm, vẫn chỉ là các đơn vị trước đây, nhiều đơn vị chưa đầu tư phát triển về chiều sâu; Trong khi đó nhiều tổ chức Tư vấn tư nhân được thành lập nhưng năng lực còn hạn chế, thiếu thiết bị khảo sát, phòng thí nghiệm, thiếu chuyên gia giỏi… chưa thực hiện được các dự án lớn, kỹ thuật phức tạp. Do vậy trong nhiều năm qua, công tác tư vấn ở các công trình chủ yếu đang sử dụng ở hình thức chọn (chỉ định thầu), chưa áp dụng được việc tuyển chọn theo hình thức đấu thầu. Điều này cũng là một yếu tố liên quan trực tiếp đến chất lượng thiết kế, thậm chí các dự án sử dụng vốn ODA hầu như Tư vấn trong nước chưa được chọn
* Tư vấn thẩm tra
Công tác thẩm tra đồ án thiết kế vừa qua cũng chưa thực hiện được yêu cầu đáp ứng về chất lượng. Chưa có các tổ chức chuyên về Tư vấn thẩm tra mà chủ yếu vẫn dựa vào các tổ chức của các Hội, Trường... Nội dung thẩm tra chỉ mới nặng về phản biện, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự tối ưu của phương án thiết kế về kinh tế - kỹ thuật.
Như vậy, trong thời gian qua, hồ sơ thiết kế ở một số dự án đã có những tồn tại mà liên quan trực tiếp đến tuổi thọ công trình như sau:
+ Hồ sơ trình duyệt thường không được rà soát kiểm tra kỹ từ khâu khảo sát từ khảo sát lưu lượng phương tiện đến khảo sát về số liệu địa hình, địa chất, thủy văn… do vậy việc thiết kế tuyến, vị trí cầu chưa phù hợp, đặc biệt là đối với khu vực miền núi. Khi khai thác đã xuất hiện hỏng do sạt trượt ta luy; hỏng nền mặt đường do nước ngầm; hỏng mặt đường do tính chiều dày kết cấu áo đường không tương ứng với lưu lượng xe và xe có tải trọng nặng…
+ Công tác thiết kế chưa được nghiên cứu kỹ và sâu dẫn đến thiết kế chọn giải pháp chưa phù hợp với địa hình, địa chất, thủy văn ở các dự án qua vùng đất yếu, núi cao; chưa xét kỹ đến các yếu tố kinh tế - kỹ thuật để có công trình có hiệu quả nhất, giá thành thấp nhất…
*Tư vấn giám sát
Đây là khâu quan trọng trong hoạt động quản lý chất lượng, chất lượng công trình có được bảo đảm phụ thuộc nhiều vào đội ngũ TVGS. Tư vấn giám sát thay mặt Chủ đầu tư (Ban QLDA) để giám sát thi công; chấp nhận khối lượng, chất lượng của nhà thầu thi công; chấp thuận biện pháp thi công để nhà thầu thực hiện; thay mặt chủ đầu tư đề xuất quyết định việc xử lý kỹ thuật ở hiện trường. Do vậy, ở những dự án có chất lượng cao, thi công an toàn là những dự án Tư vấn giám sát đã làm đúng chức trách của mình và ngược lại.
- Đánh giá về lực lượng TVGS: Lực lượng TVGS tuy đông về số lượng nhưng còn thiếu nhiều chuyên gia giỏi. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực của các kỹ sư tư vấn giám sát và chế độ chính sách của Nhà nước đối với công tác TVGS chưa được coi trọng, chưa có cơ chế thu hút và chế độ đãi ngộ phù hợp với trách nhiệm và quyền hạn của TVGS; Chưa có biện pháp quản lý chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát, kiểm soát năng lực hành nghề và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ tư vấn giám sát.
- Hoạt động giám sát chất lượng của Tư vấn được thực hiện chưa đầy đủ, TVGS chưa thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ của mình, không kiểm soát được chất lượng công trình trong quá trình thi công của nhà thầu; không bám sát hiện trường để kịp thời xử lý các phát sinh bất hợp lý, chưa kiên quyết xử ký các vi phạm về chất lượng trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với các dự án sử dụng các nhà thầu TVGS nước ngoài (dự án vốn ODA, một số dự án vốn trong nước sử dụng TVGS nước ngoài), số lượng các kỹ sư TVGS người nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 10%), chủ yếu là các chức danh Trưởng TVGS, còn lại các giám sát viên là TVGS Việt Nam. Chất lượng giám sát công trình xây dựng chủ yếu dựa vào kỹ sư TVGS trong nước.
Trong khi đó hiện nay công tác quản lý tư vấn trong nước còn nhiều bất cập, từ tổ chức bộ máy quản lý đến tổ chức Tư vấn giám sát. Các tổ chức Tư vấn thiết kế hiện nay có chức năng làm TVGS nhưng hầu như các tổ chức thiết kế ít tham gia giám sát xây dựng. Lực lượng TVGS hiện nay chủ yếu dựa vào các Trung tâm TVGS của Viện, Trường, của các Cục, Khu Quản lý hoặc các tổ chức tư nhân.
Cán bộ giám sát viên hầu hết là thực hiện theo thời vụ, được các tổ chức Tư vấn tuyển chọn thực hiện theo hợp đồng. Việc quản lý đào tạo cán bộ tư vấn chưa thống nhất, thể hiện ở ngành nghề, độ tuổi, cơ quan cấp chứng chỉ…
Tổ chức TVGS thực hiện giám sát xây dựng thông qua hợp đồng với Chủ đầu tư (Ban QLDA), việc ký kết hợp đồng cũng như giám sát của Ban QLDA chưa được chú trọng, không nắm vững chức danh của từng GS viên trong dự án. (Có phụ lục Thực trạng về công tác TVGS và các giải pháp nhằm nâng cao công tác Quản lý chất lượng công trình giao thông kèm theo).
*Tư vấn kiểm định
Hoạt động kiểm định chất lượng chưa mang tính chuyên nghiệp, số lượng các tổ chức kiểm định có kinh nghiệm chưa nhiều, đặc biệt là thiếu cán bộ kiểm định chuyên nghiệp; chưa có quy trình kiểm định, cơ sở đào tạo và qui định về năng lực của kiểm định viên. Có thể nói lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và cần được hoàn thiện một cách có hệ thống trong thời gian tới.
Công nghệ xây dựng đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên hoạt động thí nghiệm chưa được sự quan tâm đầu tư có chiều sâu. Công tác thí nghiệm mới chỉ tập trung vào các chỉ tiêu cơ lý của đất và vật liệu xây dựng, chưa có nhiều phòng thí nghiệm có thể thực hiện được các phép thử với các vật liệu xây dựng đặc thù.
Các tổ chức kiểm định chưa quan tâm đến sự thừa nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới, chưa tạo được sự liên kết thông tin kết nối giữa các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng.
* Giám sát tác giả của Tư vấn thiết kế
Mới chỉ thực hiện ở dự án do Tư vấn trong nước thiết kế, nhưng nhìn chung việc giám sát tác giả của Tư vấn thiết kế cũng chưa nghiêm túc, trách nhiệm về sản phẩm thiết kế chưa cao, chưa chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm thiết kế của mình.
Còn đối với các dự án sử dụng vốn ODA: Tư vấn thiết kế của các dự án sử dụng vốn ODA chủ yếu do các tổ chức tư vấn nước ngoài thực hiện. Thực tế ở giai đoạn thi công xây dựng, việc giám sát tác giả ở hầu hết các dự án ODA không được thực hiện, ảnh hưởng đến công tác quản lý chất lượng công trình.
2.3 Quá trình thi công xây dựng
Có thể khẳng định chất lượng công trình được bảo đảm là do sự tổ chức thi công tuân thủ quy trình thi công của các nhà thầu và sự giám sát chặt chẽ của Chủ đầu tư (Ban QLDA), Tư vấn giám sát. Nhiều công trình trong Ngành đạt Cúp Vàng chất lượng như: Cầu Bãi Cháy, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Pá Uôn, Quốc lộ 1 (Hà Nội - Lạng Sơn), Nhà ga T2, ...; Nhiều dự án đạt chất lượng cao như: Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Đoạn Cần Thơ - Năm Căn của QL1, cầu Vĩnh Tuy...
Tuy nhiên ở một số dự án vẫn còn xảy ra hư hỏng như đã nêu ở trên. Qua kiểm tra, kiểm định thấy nguyên nhân chính vẫn là do sự không tuân thủ trong thi công của các nhà thầu, thể hiện ở một số trường hợp cụ thể như sau:
- Hiện tượng lún đẩy mố cầu: Do cầu nằm ở vị trí nền đất yếu nhưng nhà thầu đã thi công mố trước khi đắp nền đường đầu cầu, trái với quy trình thi công (Cầu Tam Trinh tại dự án cầu Thanh Trì, cầu Km79 tuyến Nam sông Hậu).
- Hiện tượng lún sụt nền đường: Do việc thi công đắp nền đường không tuân thủ trình tự đắp nền.
- Đặc biệt là hỏng lớp mặt đường và độ bằng phẳng không đảm bảo: Do việc sử dụng vật liệu và thi công không tuân thủ Chỉ dẫn kỹ thuật đã được quy định. Sử dụng vật liệu làm móng đá cấp phối chưa đúng, chỉ số dẻo cao, thi công độ chặt chưa đảm bảo; Sử dụng máy san để thi công lớp móng trên (base) không đúng theo quy định (quy định phải sử dụng máy rải). Lớp bê tông nhựa: Sử dụng nhựa, cấp phối hạt chưa đúng; Thi công độ chặt chưa bảo đảm, nhiệt độ bê tông nhựa thấp; Việc kiểm tra các thành phần cấp phối chưa kỹ (ví dụ như thành phần bột đá thiếu trong hỗn hợp BTN); Đặc biệt là thảm BTN khi lớp nhựa thấm và dính bám chưa đủ thời gian (Nhiều dự án nhà thầu mới tưới nhựa đã cho thảm ngay, trong khi Quy trình quy định sau từ 24 đến 48 giờ).
- Rơi dầm cầu; đổ sập, lún sụt đà giáo xảy ra tai nạn lao động: Do không tuân thủ trình tự thi công như: Văng chống không đúng quy cách, sử dụng công nhân không đúng trình độ khi lao lắp...
Có thể nói, vừa qua một số nhà thầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức công trường, biện pháp thi công, hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, không bố trí đủ cán bộ giám sát nội bộ, thậm chí khoán trắng cho các đội thi công và tư vấn giám sát. Nhiều đơn vị tuy đã xây dựng được tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 nhưng chỉ thực hiện ở văn phòng mà không triển khai tổ chức tại hiện trường. Chất lượng nhân lực của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu cán bộ có kinh nghiệm quản lý, đặc biệt thiếu thợ tay nghề giỏi. Nhiều đơn vị sử dụng lao động thời vụ không qua đào tạo để giảm chi phí, việc huấn luyện tại chỗ rất sơ sài. Ngoài ra còn do nhiều nguyên nhân khác nhau (ví dụ như nhà thầu đã hạ giá thầu một cách thiếu căn cứ để có công trình nên đã hạ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để bù đắp).
Trong đầu tư xây dựng hiện nay, thực hiện chủ trương phân cấp mạnh Bộ GTVT đã giao cho nhiều đơn vị làm Chủ đầu tư, Bộ chỉ trực tiếp làm Chủ đầu tư các dự án lớn (Ví dụ năm 2010 Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT thẩm định khoảng 110 dự án, trong đó Bộ chỉ làm Chủ đầu tư 12 dự án, chủ yếu thuộc Đường Hồ Chí Minh). Trong khi đó, thành phần tham gia thi công các công trình giao thông rất đa dạng, từ các Tổng công ty Nhà nước đến các công ty cổ phần, công ty tư nhân đều tham gia. Lực lượng chuyên ngành giao thông chỉ tập trung thi công ở những công trình lớn và trọng điểm, có yêu cầu kỹ thuật cao như đường cao tốc, cầu lớn, còn nhiều dự án do các lực lượng thi công khác đảm nhận. Các dự án vốn WB, ADB hầu hết là các nhà thầu ngoài ngành Giao thông và nhà thầu tư nhân. Vì vậy, đòi hỏi việc tuyển chọn nhà thầu thi công, giám sát trong quá trình xây dựng của các Chủ đầu tư (Ban QLDA) cần phải được tăng cường hơn nữa, thực hiện ở các khâu:
1. Các Chủ đầu tư phải hạn chế chia gói thầu nhỏ, điều này đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các CTXD lưu ý: “một số công trình giao thông thường được phân chia thành nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu tham gia kể cả một số nhà thầu nhỏ năng lực và kinh nghiệm chưa nhiều. Thực tế này gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng của các Chủ đầu tư, Ban Quản lý.”. Đồng thời phải kiểm tra hồ sơ thầu chặt chẽ, đặc biệt là các quy định trong tập Chỉ dẫn kỹ thuật, chỉ tuyển chọn những nhà thầu khi đáp ứng được các điều kiện quy định.
2. Thường xuyên kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng tại công trường của Nhà thầu thi công xây dựng; cán bộ quản lý chất lượng; phòng thí nghiệm hiện trường...
3. Kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư, cấu kiện, sản phẩm khi nhà thầu đưa vào xây lắp công trình.
4. Kiểm tra phương tiện, thiết bị của nhà thầu khi đưa ra xây dựng công trình.
5. Kiểm tra việc tổ chức thi công ở công trường từ trang thiết bị bảo hộ lao động đến tổ chức tổ, đội sản xuất, nhà ở tạm... Khi bảo đảm mới chấp thuận cho nhà thầu thực hiện thi công.
IV. Những vấn đề khác liên quan đến chất lượng công trình
1. Quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế; Tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu công trình
2. Tổ chức quản trị doanh nghiệp
(Vụ Tổ chức Cán bộ có Báo cáo tham luận về công tác tổ chức, quản trị doanh nghiệp tác động đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng)
3. Công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp
4. Công tác quản lý, khai thác và bảo trì:
(Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Báo cáo tham luận chuyên đề về công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình giao thông đường bộ tại Hội nghị)
V. Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng công trình giao thông và an toàn lao động
- Rà soát, hoàn thiện khung chính sách nhằm tăng cường thể chế và công tác quản lý chất lượng theo hướng minh bạch, thống nhất và chịu trách nhiệm.
- Có kế hoạch xây dựng, bổ sung các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm thiết kế thi công còn thiếu, nhất là đối với các loại kết cấu, công nghệ mới.
- Nâng cao năng lực các chủ thể tham gia thực hiện dự án (Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu) bằng cách tăng cường tính chịu trách nhiệm của các chủ thể theo các chế tài, tạo điều kiện trong hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ quản lý cũng như tư vấn của dự án.
- Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đối với doanh nghiệp Tư vấn dựa trên các nguyên tắc cơ bản (Tự thân phát triển; Hợp tác phát triển; Hoàn thiện các chế độ, chính sách trong việc sử dụng và đãi ngộ; Xây dựng mô hình tổ chức Tư vấn, mô hình quản lý và thực hiện dự án…).
- Nghiên cứu đề xuất các phương thức hợp tác để tăng cường nguồn lực cho phát triển xây dựng giao thông.
- Nâng cao năng lực của Nhà thầu xây lắp, xác định trách nhiệm của các nhà thầu xây lắp về chất lượng xây dựng do mình đảm nhận chú trọng công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình lập, thẩm định, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư 22/2010/TT-BXD ngày 3/12/2010 của Bộ Xây dựng.
- Cấp phát trang thiết bị bảo hộ đầy đủ và bắt buộc sử dụng. Tăng cường tuyên truyền giáo dục để công tác lao động và vệ sinh môi trường thực sự đi vào ý thức người lao động. Có chế tài xử lý đối với nhà thầu vi phạm các quy định về an toàn, để xẩy ra tai nạn. Có hệ thống kiểm soát lưu trữ thông tin về các nhà thầu để xẩy ra tai nạn lao động và sử dụng như một điều kiện trong quá trình xét thầu.
VII. Một số nội dung đề xuất, kiến nghị
1. Bộ GTVT ban hành quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia Dự án.
2. Kiến nghị Nhà nước điều chỉnh bổ sung Nghị định 209 và Nghị định 49 cho phù hợp với thực tế theo xu thế phân cấp quản lý như hiện nay:
+ Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là tư vấn giám sát, công tác đào tạo cấp và quản lý chứng chỉ, quy định các tổ chức được tham gia giám sát xây dựng...
+ Tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào công trình vào sử dụng.
+ Xử lý sự cố công trình xây dựng.
3. Xây dựng mô hình quản lý dự án (các Ban QLDA) để áp dụng thống nhất cho các Ban quản lý dự án, cần phải có bộ máy quản lý chất lượng giám sát xây dựng của Chủ đầu tư để kiểm tra giám sát Nhà thầu và tư vấn giám sát tại hiện trường./.

Cục QLXD & CLCTGT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:56155
Lượt truy cập: 174.323.460